Thách đấu võ thuật Cung Lê – Flores – Huỳnh Tuấn Kiệt

Cả nửa tháng trời nay, mạng xã hội, báo chí, tin thể thao sôi lên sùng sục với võ thuật Vịnh Xuân Nam Anh. Cùng những cuộc tỷ võ mà nhiều người phải thốt lên “chẳng thấy vẻ đẹp võ thuật đâu cả”.

Rồi khi chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt từ chối gặp gỡ Flores. Người ta lại đổ xô vào chỉ trích người võ sư ấy là hèn. Dường như, người ta chờ đợi Flores “đánh sập mặt” Huỳnh Tuấn Kiệt thì phải? Đơn giản, họ nghĩ ông Kiệt “nổ” và đã “nổ” thì cần phải bị “bóc phốt”.

Ông Kiệt có quyền từ chối Flores. Nhất là khi đình Nam Chơn mà ông sử dụng để làm võ đường. Vốn dĩ là một địa điểm được coi là di tích. Văn hóa người Việt vốn dĩ coi trọng tính tôn nghiêm của đình, đền, miếu, mạo, chùa chiền. Chẳng ai lại mở cửa đón một anh võ biền nhìn như tây ba lô vào đó đòi đánh nhau cả.

Võ sư Pierre Francois Flores tại võ đường của ông ở Montreal.

Cái cớ Nam Huỳnh Đạo đưa ra cũng chặt chẽ. Muốn đấu võ thuật, xin phép chính quyền đi. Có phép có tắc đàng hoàng thì chơi. Chúng ta đang sống ở thời nào? Dưới một nhà nước pháp quyền chứ đâu phải ở thời mông muội.

Vả lại, cái sâu xa của câu chuyện lại chẳng ai mấy quan tâm. Dư luận không khác gì bất kỳ một “trẻ trâu” nào ngoài phố thị thời hiện đại. Đó là cứ thấy võ thuật, đánh nhau là bu vào ngay. Không cổ vũ hô hào được thì cũng len lén quay video đặng tải lên facebook, youtube.

Nên nảy sinh ra một lực lượng tệ hại chỉ chăm chăm kích động cho ông Kiệt đánh nhau với Flores. Ông Kiệt phải nói là đại cao thủ võ thuật bị “thóa mạ”. Nhưng ông vẫn giữ được cái tâm rất vững, không hề dao động.

Flores thì đụng ngay phải một đối thủ đáng gờm khác là Cung Lê. Dù thực tế khả năng để Cung Lê đấu võ thuật với Flores là cực thấp. Xưa nay, chẳng có chuyện mang gà chiến ra so với dế mèn bao giờ.

Nhưng tại sao lại có những cái ồn ào như vậy xoay quanh cái tên Flores. Người lên sân khấu của đại hội võ thuật ở Hà Nội hồi 2009 thách đấu bất chấp việc chỉ là khách mời dự tiệc. Phía dưới khán phòng toàn các bậc cao niên cũng như cao thủ cả?

Chẳng qua, tất cả chỉ là chuyện làm ăn không hơn không kém. Mở võ đường hay võ quán. Ngoài chuyện truyền thụ lại tinh hoa võ thuật còn là chuyện của một cái nghề kiếm sống. Tinh hoa thì chỉ truyền lại cho đệ tử ruột, đệ tử chân truyền. Còn những ngón võ phổ thông thì đem đi bán cho học trò, cũng coi như là bán một dịch vụ.

Đại sư Nam Anh trong làng võ thuật vô cùng nổi danh. Nhưng trong xã hội thì gần như chẳng ai biết tới. Cho tới khi có vụ lùm xùm mang tên Flores. Và cũng như mọi câu chuyện kiếm hiệp mà chúng ta từng đọc qua. Cao thủ nào mới mẻ. Muốn lập danh trong giang hồ đều phải chọn đánh những đại võ sư, những chưởng môn uy tín cả.

Mà Huỳnh Tuấn Kiệt thì lại lắm môn đồ (nghe đồn tới gần chục ngàn). Lại là người có uy tín trong Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đánh vào đấy, khác gì đánh vào Liên đoàn dưới lá cờ của Liên đoàn võ thuật quốc tế Vịnh Xuân Nam Anh.

Xem ra, cái chiêu dựng cờ lần này của phía Vịnh Xuân Nam Anh có vẻ quá lộ. Thế nên nhiều cao thủ làng võ Việt cứ im lặng tảng lờ. Trong khi những người nóng nảy hơn thì lại ra mặt thách đấu. Bất chấp mình bất lợi hơn rất nhiều.

Câu chuyện ấy còn lằng nhằng hơn nữa nếu chúng ta chịu khó lặn lội vào trong làng võ để tìm hiểu về những biến cố và mối quan hệ qua lại trong phái Vịnh Xuân.

Và nên nhớ, Vịnh Xuân Nam Anh chỉ là một chi phái trong Vịnh Xuân mà thôi. Nhưng cầm cờ chính thống lại là một ham muốn rất lớn. Bởi chỉ cần mấy chữ Vịnh Xuân chính thống thôi. Cũng đủ tạo niềm tin để thu hút môn đồ khi mở võ quán, võ đường.

Chung quy cũng chính tại vì chúng ta quá hồn nhiên quảng bá những sản phẩm điện ảnh võ hiệp Hoa ngữ mà điển hình là serie Diệp Vấn đến mức giới trẻ thần tượng, coi Vịnh Xuân như là môn võ xuất sắc nhất.

Có võ sư từng phải lên tiếng rằng thực tế. Võ dân tộc của Việt Nam rất đặc sắc và thú vị. Nhưng chính làn sóng Chung Tử Đơn và Diệp Vấn đã khiến số đông những người ham mê võ thuật trẻ tuổi cho rằng chỉ có Vịnh Xuân mới là nhất.

Cách đây gần 2 năm, trong một tranh luận với đồng nghiệp, một nhà báo từng cảnh báo rằng hãy cẩn trọng với tính tuyên truyền của serie Diệp Vấn.

Nó là gạch nối tiếp theo của văn hoá đề cao người Hán, với hình ảnh Diệp Vấn đánh đổ từ Thái Lan cho tới Nhật Bản, từ người Âu da trắng cho tới người Mỹ gốc Phi. Đáp lại cảnh báo ấy của anh, một đồng nghiệp trẻ hồn nhiên bảo rằng “đừng quy chụp và nâng quan điểm đối với nghệ thuật”.

Vâng, nếu có những trí thức (tạm gọi) còn hồn nhiên coi serie Diệp Vấn là phim nghệ thuật thì chúng ta còn gì để bàn đây? Bảo sao mà giới trẻ không coi Vịnh Xuân là số 1, không khích bác Huỳnh Tuấn Kiệt là “con rùa rụt cổ” và không hồ hởi chờ xem Flores đánh nhau với Cung Lê thế nào…

Loading...